...

[Tp. Hồ Chí Minh] Hội thảo "Xung đột thương mại Mỹ - Trung: Những điểm doanh nghiệp cần lưu ý về phòng vệ thương mại"

28 Tháng 10, 2019

Vừa qua, vào ngày 22/03/2019 tại Khách sạn Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Trung tâm Hội nhập Quốc tế TP. Hồ Chí Minh (CIIS) đã tổ chức buổi Hội thảo Xung đột thương mại Mỹ - Trung: Những điểm doanh nghiệp cần lưu ý về phòng vệ thương mại.

Có thể thấy, xung đột thương mại giữa hai cường quốc kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc đến thời điểm hiện tại đã có những chuyển biến mới. Tuy vậy, quyết định cuối cùng về việc “tạm ngưng leo thang thuế” của các nhà lãnh đạo vẫn còn là dấu hỏi lớn và nền kinh tế thế giới vẫn phải chịu những ảnh hưởng nhất định. Đối mặt với tình hình này, việc vừa phải bảo vệ thị trường trong nước vừa phải đảm bảo xuất khẩu là vấn đề doanh nghiệp Việt cần thiết phải có sự lưu tâm nhất định. Với những nội dung chính về cập nhật tình hình mới nhất của cuộc thương chiến, cung cấp cho doanh nghiệp bài học kinh nghiệm cụ thể về phòng vệ thương mại, Hội thảo đã thu hút gần 150 đại biểu tham dự, hơn 30 đơn vị truyền thông trên địa bàn thành phố đến đưa tin.

 

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã đưa ra những nhận định khái quát về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cùng các tác động của nó đến thị trường kinh tế trên toàn thế giới. Để giải quyết những khó khăn đó, việc định ra chiến lược cụ thể để bảo vệ thị trường trong nước đồng thời đảm bảo thuận lợi xuất khẩu tại thị trường nước ngoài là điều doanh nghiệp phải chú trọng.

 

Buổi Hội thảo xoay quanh ba nội dung chính với phần trình bày đầu tiên của ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương). Trong tham luận của mình, thông qua việc tóm tắt, phân tích mối quan hệ thương mại, đầu tư giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc, Đại diện Cục phòng vệ thương mại đã cung cấp một góc nhìn khá toàn diện về những vấn đề, mâu thuẫn phát sinh giữa hai siêu cường hiện có trong thời gian qua. Bên cạnh đó, ông Chu Thắng Trung cũng tiến hành cung cấp các số liệu thống kê cụ thể về hoạt động phòng vệ thương mại trong một số ngành nghề tiêu biểu như thép, nhôm, đồ điện, máy móc…để minh chứng cho sức ảnh hưởng mạnh mẽ của cuộc chiến thương mại này. Cuối phần trình bày, ông Chu Thắng Trung đã tổng kết và nhấn mạnh một số rủi ro doanh nghiệp cần lưu ý nhằm hạn chế tổn thất lớn trong quá trình kinh doanh.

 

Tiếp nối sau đó là phần tham luận của Luật sư William Barringer – Luật sư cao cấp của hãng luật Morris, Manning & Martin LLP. Trên cơ sở cập nhật tình hình cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không chỉ qua báo chí mà còn từ một số thông tin chi tiết khi tham gia trực tiếp vào các vụ việc của Hoa Kỳ trong cuộc xung đột này, Luật sư William Barringer đã đặt ra vấn đề về cơ hội lẫn rủi ro khi Doanh nghiệp áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trong tình hình hiện nay. Bên cạnh đó, với vai trò tư vấn trực tiếp cho Chính phủ Hoa Kỳ trong vấn đề về gian lận thương mại, Luật sư đã có những đánh giá sâu sắc, từng bước chỉ điểm, phân tích các cơ hội và rủi ro cho doanh nghiệp trong quá trình bảo vệ thị trường trong nước và xuất khẩu trước những biến chuyển mới của cuộc xung đột.

 

Sau bài trình bày của Luật sư William Barringer, nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận nhiều hơn với thực tế, Luật sư Nguyễn Thị Phương Thảo – Luật sư Thành viên Văn phòng Luật sư IDVN và Luật sư Châu Việt Bắc – Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đã có những chia sẻ chi tiết về rủi ro cũng như bài học cho doanh nghiệp. Cụ thể, từ những kinh nghiệm đúc kết ở các vụ việc từng tham gia, Luật sư Phương Thảo đã tiến hành phân tích một số biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng phổ biến; cùng với đó là thực tiễn phòng vệ thương mại trong kháng kiện và khởi kiện, nhằm phác họa quy trình chi tiết giúp doanh nghiệp dễ hình dung hơn về các vấn đề pháp lý phát sinh liên quan đến phòng vệ thương mại. Để củng cố và làm rõ thêm, ở phần tham luận sau đó, Luật sư Châu Việt Bắc – Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), trên cơ sở bóc tách những vụ tranh chấp về gian lận xuất xứ hàng hóa trong phòng vệ thương mại, đã nhấn mạnh, phân tích những rủi ro doanh nghiệp có thể mắc phải. Qua đó, hướng dẫn phương thức phòng tránh cũng như cách soạn thảo điều khoản hợp đồng sao cho an toàn, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp trước đối tác của mình.

Hội thảo được kết thúc sau phần thảo luận sôi nổi đến từ các đại biểu tham dự. Nhiều câu hỏi, vấn đề đã được đặt ra và được giải đáp bởi các chuyên gia của Hội thảo.

 

Thông qua buổi Hội thảo, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trung tâm Hội nhập Quốc tế TP. Hồ Chí Minh (CIIS) đã hoàn thành mục tiêu cập nhật các diễn biến của cuộc xung đột đến các doanh nghiệp Việt Nam, từ đó, giúp đỡ doanh nghiệp nâng cao nhận thức về phòng vệ thương mại trong bối cảnh thay đổi không ngừng của nền kinh tế. Đồng thời, trên cơ sở nhận diện các rủi ro của doanh nghiệp, VIAC cũng mong muốn có thể đưa ra một điểm tựa pháp lý vững chắc cho doanh nghiệp thông qua việc sử dụng Trọng tài để giải quyết các tranh chấp thương mại phát sinh.

Tin liên quan

  • Trường Đại học Luật Tp.HCM
    VCCI
    VIBOnline
    Trường đại học ngoại thương
    Trường Đại Học Luật
    VCCI